Nguyên nhân Kỳ tích châu Âu

Than đá

Biểu đồ phân bố các mỏ than ở Anh.

Trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp, ngành luyện kim và chế tạo động cơ hơi nước tiêu dùng rất nhiều than đáthan cốc - nguồn năng lượng rẻ, dồi dào và hiệu quả hơn so với gỗ và than củi. Động cơ hơi nước đốt than được đưa vào sử dụng trong ngành đường sắt và vận tải biển, tạo nên một cuộc cách mạng giao thông vận tải vào đầu thế kỷ 19. Nhà sử học Kenneth Pomeranz nhận thấy rằng có một sự khác biệt về tính khả dụng của than đá giữa phương Tây và phương Đông. Do khí hậu địa phương, các mỏ than ở châu Âu ẩm ướt hơn, khiến giảm nguy cơ từ các tai nạn cháy nổ và khi động cơ hơi nước Newcomen ra đời, người châu Âu đã có thể rút nước ra khỏi các mỏ sâu để khai thác chúng. Trong các hầm mỏ ở vùng tây bắc khô cằn của Trung Quốc, việc thông gió để ngăn chặn các vụ tai nạn khó khăn hơn rất nhiều.[52]

Ngoài ra, ta còn phải đề cập đến khoảng cách địa lý; mặc dù Trung Quốc và Châu Âu có công nghệ khai thác mỏ tương đương nhau, nhưng khoảng cách giữa các khu vực phát triển kinh tế và các mỏ than có sự khác biệt rõ rệt. Các mỏ than lớn nhất ở Trung Quốc nằm về phía tây bắc, thuộc vùng ảnh hưởng của lõi công nghiệp Trung Quốc thời Bắc Tống (960–1127). Vào thế kỷ 11, Trung Quốc đã phát triển các kỹ thuật tinh vi nhằm khai thác và sử dụng than đá làm năng lượng, khiến cho sản lượng sắt của Trung Quốc bấy giờ tăng vọt.[9] Sự di dân xuống phía nam giữa thế kỷ 12-14 đã dịch chuyển lõi công nghiệp mới của Trung Quốc ra xa khỏi các mỏ than. Ngược lại, nước Anh có số mỏ than lớn nhất ở châu Âu,[53] phân bố rải rác và toàn bộ trên một đảo quốc rất nhỏ.

Hai nhà kinh tế học Gregory Clark và David Jacks chỉ trích giả thuyết trọng than đá trong cuộc cách mạng công nghiệp.[54] Học giả Deirdre N. McCloskey cũng cho rằng; nếu như Anh không có nhiều mỏ than, họ vẫn có thể dễ dàng nhập khẩu từ các nước khác. Hơn nữa, người Trung Quốc hoàn toàn có khả năng di chuyển ngành thủ công nghiệp của họ đến gần các mỏ than hơn.[55]

Châu Mỹ

Nhiều giả thuyết cho rằng mối liên hệ độc đáo giữa Châu Âu với Tân Thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến Đại phân tầng. Lợi nhuận thu được từ nền sản xuất thuộc địa và buôn bán nô lệ chiếm 7% lợi nhuận mỗi năm của châu Âu, một tỷ suất tương đối cao nếu xét đến tỷ lệ khấu hao cao đối với vốn tư bản thời kỳ tiền công nghiệp, điều mà cản trở lợi nhuận dôi ra và tích lũy tư bản.[28] Thời kỳ đầu, người châu Âu kiếm tiền thông qua việc bán và xuất sản phẩm của châu Mỹ sang châu Á, đặc biệt là bạc cho Trung Quốc.[83] Theo Pomeranz, lợi thế quan trọng nhất được ban tặng cho châu Âu là số lượng đất đai trù phú và chưa được khai khẩn ở châu Mỹ. Những vùng đất bao la này sẵn có tiềm năng nông nghiệp rất cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế ở các mẫu quốc châu Âu, đồng thời giúp giải phóng lao động và đất đai ở châu Âu, mở đường cho công nghiệp hóa.[84] Ngành xuất khẩu gỗ, bông và len của châu Mỹ đã giúp nước Anh tiết kiệm được 23-25 triệu mẫu Anh (100.000 km2) đất canh tác (tổng diện tích đất canh tác ở Anh chỉ vào khoảng 17 triệu mẫu Anh), dự trữ được một lượng lớn tài nguyên. Hơn nữa, Tân Thế giới cũng đóng vai trò là thị trường cho các nhà sản xuất châu Âu.[85]

Nghiên cứu của Chen (2012) cũng cho rằng Tân Thế giới là nhân tố cần thiết cho công nghiệp hóa còn thương mại là nhân tố phụ trợ giúp các khu vực kém phát triển hơn tập trung vào nông nghiệp và hậu thuẫn các khu vực công nghiệp hóa ở Châu Âu. [23]

Phân mảnh chính trị

Bản đồ các quốc gia trên thế giới vào năm 1556 và 1700.

Jared Diamond và Peter Watson cho rằng một đặc điểm đáng chú ý của địa lý châu Âu là nó khuyến khích quá trình Balkan hóa, chẳng hạn như các bán đảo lớn[86] và các rào cản tự nhiên như núi non, eo biển tạo nên các biên giới có thể dễ dàng phòng thủ được. Ngược lại, địa lý của Trung Quốc lại khuyến khích sự thống nhất chính trị nhờ vào đường bờ biển mượt hơn và sở hữu hai thung lũng sông màu mỡ ở trung tâm (Hoàng Hà và Dương Tử).